10 bệnh lý nguy hiểm thường gặp nhất ở mắt ai cũng nên cảnh giác

10 bệnh lý nguy hiểm thường gặp nhất ở mắt ai cũng nên cảnh giác

Không ít trường hợp bệnh nhân mù lòa, suy giảm thị lực là do chưa nhận thức đúng và không có biện pháp kịp thời trong phòng tránh, hỗ trợ cải thiện từ sớm các bệnh về mắt

Bác sĩ Đoàn Lương Hiền
Đã không ít trường hợp bệnh nhân mù lòa, suy giảm thị lực là do chưa nhận thức đúng và không có biện pháp kịp thời trong phòng tránh và phát hiện sớm các bệnh về mắt.

1. Hiện tượng ruồi bay / Có đốm đen bay qua lại trước mắt

Nằm bên trong nhãn cầu, dịch thủy tinh là chất lỏng trong suốt liên kết với nhau tạo thành một lớp màng giống lòng trắng trứng. Michelle Akler, dược sĩ kiêm bác sĩ nhãn khoa tại Trung tâm nhãn khoa Akler Eye cho biết, càng về già, lớp màng này càng trở nên loãng và có xu hướng mất ổn định.
 

Chúng sẽ gây cản trở tầm nhìn khi làm xuất hiện các đốm đen hoặc mạng nhện. Tình trạng này hoàn toàn vô hại nếu chỉ xuất hiện 1-2 lần. Tuy nhiên, nếu chúng xảy ra thường xuyên và tăng dần mức độ nghiêm trọng, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt. Đây có thể là dấu hiệu bong võng mạc hoặc rách thành mạch máu trong mắt. Nếu không điều trị kịp thời tình trạng này sẽ dẫn tới mù lòa.

Dựa vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, các bác sĩ có thể sử dụng laser hoặc tiến hành phẫu thuật để làm giảm triệu chứng.

2. Các đốm trắng trên giác mạc

Đây là hiện tượng khá phổ biến ở những người thường xuyên mang kính áp tròng, nó cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng giác mạc. Ngay cả những thương tích nhỏ do đeo hay tháo kính áp tròng có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng, loét giác mạc mắt.

Các chuyên gia khuyến cáo những người đeo kính áp tròng nên chú ý tuổi thọ kính, thay và vệ sinh kính hàng ngày.

3. Đau mắt

Trong số các bệnh viêm mắt, viêm bờ mi là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng ngứa rát và đau mắt. Bệnh bắt nguồn từ các vi khuẩn sống xung quanh chân lông mí mắt và vùng da gần mắt. Tuy nhiên, mọi người không cần lo lắng vì viêm bờ mi có thể dễ dàng điều trị bằng việc vệ sinh mắt thường xuyên.

Ngoài ra, viêm tuyến lệ cũng là nguyên nhân khác có thể gây kích ứng, sưng đỏ mắt. Theo Monika Shirodkar, dược sĩ kiêm bác sĩ nhãn khoa tại Trung tâm y khoa Jefferson Health (Mỹ), các bác sĩ thường tiến hành phẫu thuật nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng.

Dù hiện tượng này thường tự biến mất, các bác sĩ có thể kê thuốc nhỏ mắt nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.

4. Mắt đỏ

Nguyên nhân của mắt đỏ có thể là do ngủ không đủ giấc, làm việc thêm giờ hoặc tiếp xúc với nắng gió. Nếu bị mắt đỏ thường xuyên mà không có lý do đặc biệt, nó có thể là biểu hiện của các bệnh như tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, loét giác mạc.

5. Mắt bị ngứa và bị chảy nước mắt do bị khô mắt, dị ứng lông thú nuôi

Nếu mắt bị ngứa và chảy nước mắt kéo dài, có thể là do bị dị ứng với phấn hoa, lông thú nuôi, hay các chất lạ khác trong môi trường. Ngoài ra, các triệu chứng trên còn có thể là bệnh khô mắt. Bác sĩ mắt sẽ xác định chính xác nguyên nhân gây khó chịu ở mắt và có phác đồ điều trị thích hợp.

6. Thị lực giảm và bị móp méo do cận, viễn, lão thị

Thị lực giảm và móp méo trong một thời gian dài có thể do một trong nhiều nguyên nhân. Mắt mờ, đặc biệt là không thể nhìn rõ các sự vật ở xa hoặc gần, thường là dấu hiệu của tật khúc xạ như cận thị (myopia), viễn thị (hyperopia), loạn thị (astigmatism) hay lão thị.

Một nguyên nhân khác gây giảm thị lực và khiến thị lực bị móp méo là thoái hóa hoàng điểm do già, thường ảnh hưởng tới thị lực trung tâm. Các sự vật ở giữa thị trường bị móp méo nhưng những hình ảnh xung quanh vẫn nhìn thấy rõ.

Bệnh lý này có thể có thể gây mù nếu không được điều trị kịp thời, vì vậy phát hiện bệnh sớm là việc rất quan trọng.

7. Mắt bị kéo mây do cườm khô, thiếu vitamin A, u mắt

Thị lực kém hay mắt bị kéo mây (như một màng mây bao phủ), có thể là dấu hiệu của đục thủy tinh thể (cườm khô). Bệnh này liên quan đến tuổi tác, có thể dẫn đến mù nếu không được điều trị. Nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, khả năng hồi phục tốt thị lực là hoàn toàn có thể.

Mắt kéo mây cũng có thể do các bệnh lý khác như thiếu vitamin A, do bệnh lây truyền qua đường tình dục và các khối u ở mắt. Vì vậy, nếu mắt bị kéo mây, bạn hãy đi khám bác sĩ mắt sớm để được phát hiện và điều trị sớm.

8. Viêm nhiễm mắt do bệnh về hệ miễn dịch

Các triệu chứng tự miễn dịch có thể khiến cơ thể tấn công lại các tế bào và mô khỏe mạnh dẫn đến viêm nhiễm.

Nếu thấy sưng viêm ở mắt, mắt đỏ, ngứa thì có thể đang bị mắc vài dạng bệnh về hệ miễn dịch chưa được chẩn đoán như lupus ban đỏ hay bệnh viêm khớp dạng thấp.

9. Tụ dịch bên trong mắt do stress

Tình trạng bị tụ dịch bên trong nhãn cầu được gọi là bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch (CSR), đây là loại bệnh thường gây ra bởi sự căng thẳng quá độ về cảm xúc, tinh thần.

Triệu chứng phổ biến nhất là bệnh nhân có thể bị mờ mắt hoặc nhìn thấy những đường sóng khi cố gắng tập trung vào một điểm bất kỳ. Trong nhiều trường hợp, bệnh CSR có thể được kiểm soát bằng cách giảm mức độ stress, hoặc có thể chữa trị bằng laser.

10. Động mạch có màu bạc hoặc đồng do huyết áp cao

Theo thống kê, hơn 20% bệnh nhân không biết bản thân bị mắc chứng huyết áp cao. Tuy nhiên nếu đến khám bác sĩ nhãn khoa thường xuyên có thể phát hiện bệnh sớm. Chúng ta có thể quan sát thấy dấu hiệu tăng huyết áp thông qua đôi mắt bởi vì khi bị tăng huyết áp các động mạch võng mạc sẽ chuyển thành màu bạc hoặc đồng.

Nếu không được chữa trị, tình trạng này có thể khiến các mạch máu trong võng mạc và khắp cơ thể bị nghẽn, làm tăng nguy cơ bị đau tim hay đột quỵ.