Bệnh viêm màng bồ đào

Bệnh viêm màng bồ đào

Bệnh viêm màng bồ đào

Bác sĩ Đoàn Lương Hiền
Bệnh viêm màng bồ đào là gì?
Mắt chúng ta cấu tạo bởi 3 lớp, lớp ngoài cùng tạo nên vỏ bọc bên ngoài gồm củng mạc (tròng trắng) và giác mạc (tròng đen), lớp tiếp theo là hắc mạc hay màng bồ đào. Vì màng bồ đào có màu đen nên được gọi là hắc mạc. Ngoài nhiệm vụ tạo buồng tối cho mắt, màng bồ đào có chứa nhiều mạch máu để nuôi dưỡng lớp trong cùng là võng mạc. Chính vì vậy khi màng bồ đào bị viêm sẽ để lại nhiều tổn hại và gây giảm thị lực. 

Triệu chứng của viêm màng bồ đào
 
 

Bệnh nhân khi bị màng bồ đào sẽ thấy
-Nhìn mờ, có thể mờ nhanh và nhiều kèm đỏ mắt.
-Đau nhức trong mắt, thường co thắt thể mi, đau tỏa lan trong vùng thần kinh V chi phối.
-Chảy nước mắt và sợ ánh sáng khi có tổn thương ở mống mắt và giác mạc, đỏ mắt.
-Có thể thấy hiện tượng ruồi bay.

Tùy thuộc vào vị trí viêm, bác sĩ sẽ phân loại màng bồ đào thành màng bồ đào trước (vùng giác mạc), màng bồ đào giữa (khoang chứa dịch trong mắt), màng bồ đào sau (ảnh hưởng tới võng mạc- thần kinh mắt). Mỗi loại màng bồ đào có vai trò quan trọng trong việc tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị 

Khi khám viêm màng bồ đào trước có thể thấy
-Đỏ mắt quanh rìa giác mạc.
-Giác mạc mờ, kém trong do kết tủa tế bào viêm ở mặt sau giác mạc.
-Thủy dịch đục, Tyndall (+).
-Có thể có mủ tiền phòng.
-Đồng tử co nhỏ, bờ đồng tử nham nhở, dính vào mặt trước thể thủy tinh (đồng tử hình hoa thị).
-Có thể có tiết tố viêm màu trắng bít lổ đồng tử.
-Ấn nhẹ vùng thể mi bệnh nhân có phản ứng đau.
-Nhãn áp thường giảm khi có viêm màng bồ đào. Nếu bít đồng tử, nhãn áp có thể tăng.


Viêm màng bồ đào trước

Khi khám viêm màng bồ đào giữa và sau có thể thấy:
-Pha lê thể mờ đục
-Tân mạch
-Viêm võng mạc
-Viêm hắc mạc
-Viêm mạch máu
-Phù hoàng điểm

Viêm màng bồ đào sau

 
Nguyên nhân viêm màng bồ đào
Có nhiều nguyên nhân gây viêm màng bồ đào. Tìm được nguyên nhân không dễ dàng tuy nhiên nếu tìm được nguyên nhân thì việc điều trị sẽ hiệu quả và bệnh it tái phát. Thông thường bác sĩ sẽ tìm các nguyên nhân do nhiễm trùng như nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nấm, ký sinh trùng tại mắt gây viêm. Sau đó sẽ tìm đến các nguyên nhân tự miễn trong người như viêm cột sống dính khớp, lupus, sarcoidosis, bệnh Behcet,... Việc tìm nguyên nhân dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân cũng như các triệu chứng khi khám. Ngoài ra bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp xquang, trong một số trường hợp sẽ lấy dịch trong mắt để làm xét nghiệm. Tuy nhiêm 50% số ca viêm màng bồ đào không tìm được nguyên nhân.

Điều trị viêm màng bồ đào
Trong viêm màng bồ đào mục tiêu chính của điều trị đó là cắt phản ứng viêm nhanh nhất có thể vì phản ứng viêm sẽ gây tổn hại đến các cấu trúc của mắt gây giảm thị lực vĩnh viễn. Mục tiêu điều trị viêm màng bồ đào tiếp theo là chống tái phát. Bệnh viêm màng bồ đào rất dễ tái phát khi điều trị không đủ hoặc giảm liều thuốc không phù hợp. Khi tái phát bệnh nhân sẽ cảm thấy mắt đỏ, đau nhức và mờ hơn. Việc tái phát khiến quá trình điều trị gặp khó khăn, đôi khi phải điều trị lại từ đầu. 

Thuốc chính được sử dụng trong viêm màng bồ đào là Corticosteroid (Medrol, Predforte, Methylprednisolone, Prednisone, Triamcinolon,...) thuốc này cắt phản ứng viêm rất nhanh, bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu do phản ứng viêm giảm nhanh. Tuy nhiên biến chứng của Corticosteroid rất nhiều như tăng nhãn áp, glaucoma, đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, tăng đường huyết, phù mặt, mất ngủ,... Ngoài ra nếu chỉ sử dụng Corticosteroid bệnh viêm màng bồ đào rất dễ tái phát khi đang giảm liều. Chính vì vậy một số thuốc thay thế Corticosteroid được sử dụng để hạn chế tối đa biến chứng của Corticosteroid và hạn chế tái phát như Methotrexate, Cellcept, Adalimumab, Infliximab,... Tuy nhiên để sử dụng những thuốc này cần nhiều kinh nghiệm và được đào tạo để có cách phối hợp theo dõi phù hợp cho từng người bệnh.